skip to content

Article and News

keine Nachrichten ....

Chuyện mùng 2 Tết

 Dì Sáu, dì Tám và dì Út, ba chị em ngày nào cũng ghé tiệm hủ tiếu của má Tuấn ăn sáng hoặc mỗi người chỉ uống một ly càfê đá rồi mới đi chợ.(Vì chợ Tế Bần nằm dọc theo hai bên đường Dương Bá Trạc. Còn tiệm hủ tiếu của má Tuấn cũng trên đường này). Lúc đó Tuấn chừng 14 hay 15 tuổi. Hôm nào không đi học thì Tuấn phải ra tiệm phụ má bưng hủ tiếu, bưng càfê, lau bàn, rửa chén v.v.

 

Vừa đặt ly càfê xuống bàn, Tuấn nghe giọng nói vui vẻ, liến thoắng của một trong ba người khách đàn bà:

„Chị Ba ơi, cậu nhỏ này con nhà ai, bảnh quá vậy?“    

„Con trai lớn của tui đó. Chị Út có con gái hông? Mình ngồi sui”. Má Tuấn vừa tính tiền cho khách, vừa trả lời. Mọi người ráp nhau cười ròn rã, trong khi mặt Tuấn đỏ bừng, đi một mạch vào bếp. Từ đó, mỗi lần tới tiệm ăn sáng mà gặp Tuấn là dì Út hay ghẹo:

“Thằng rể tui đâu rồi?”

Có hôm dì Sáu buột miệng nói:

“Ê, Tuấn. Bộ chịu làm rể bả, sao im ru vậy con?”

Tuấn thấy mấy dì vui tính cũng nói đùa theo:

“Con chưa biết con gái dì Út mà, sao làm rể được.”

Lúc này dì Tám mới nói:

“Dì Út có tới năm cô con gái sanh năm một. Con chấm đứa nào thì chở gạo vô nuôi đứa đó. Chừng nó lớn thì dì Út đem gả cho.”

Má Tuấn hỏi vu vơ:

“Con gái chị chắc cũng còn nhỏ hả chị Út? ”

“Đứa lớn nhứt mới mười tuổi chị Ba” dì Út trả lời.

Dì Sáu châm thêm:

“Chị thấy đứa nhỏ nào sách gà-mên ra đây nói: Bán cho «kui» một «kô» hủ «kiếu», là con dâu tương lai của chị đó”.

Mọi người phá cười ngoặt ngoẹo…

 

Mùa hè năm 1970, hai cô em gái của Tuấn cùng thi vào lớp sáu trường Lương Văn Can. Lúc đó phong trào bắt cóc con nít được báo chí đăng tải rần rộ. Nghe Tuấn sẽ đi xem kết quả cho hai em, dì Tám sẵn dịp nhờ Tuấn xem giùm kết quả thi của Ngọc luôn. Vì Ngọc, con gái lớn của dì Tám cũng thi vào trường này… Sau khi xem kết quả xong, Tuấn mừng rỡ chạy tới nhà dì Tám. Nhìn nét mặt Tuấn có lẽ dì Tám cũng đoán được tin vui, liền hỏi:

“Nó thi đậu rồi hả con? ”

Tuấn cười rạng rỡ như chính mình được thi đậu, đáp:

“Không những thi đậu, mà còn đậu ưu nữa đó dì Tám. Ngọc đậu hạng 31 trên 2500 thí sinh…”

Tuấn chưa hết lời, dì Tám hỏi:

“Còn mấy em con cũng đậu luôn hả ? ”

Tuấn đáp :

“Dạ, nhưng các em không đậu ưu như Ngọc ”

“Hạng mấy cũng được, miễn thi đậu là mừng. ” Dì Tám vừa nói, vừa lau nước mắt. Bấy gìờ mới nghe Ngọc lên tiếng:

“Anh Tuấn có coi kỹ không vậy? ”

Tuấn tự ái:

“Dì Tám có đưa tên họ và ngày tháng năm sanh của Ngọc mà. Hổng tin, Ngọc đi coi lại cho chắc ăn đi!”.

Dì Tám biết Tuấn phật ý, nên rầy con gái:

“Anh Tuấn đi coi giùm kết quả. Con chưa cám ơn, ăn nói gì vậy ? Vô đưa em ngủ giùm má đi”

Không nói thêm tiếng nào Ngọc bế em vào trong. Tuấn nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt và giọng hát ru em ầu ơ vô tư của Ngọc. Tuấn chào dì Tám ra về, mang theo lời cám ơn chân thành của dì và gương mặt xinh xắn, lạnh nhạt, bất cần của cô bé mang tên Ngọc. Nhưng lạ lùng, từ đó Tuấn cũng thích nghe nói về bé Ngọc ngang tàng, bướng bỉnh mà học giỏi này. Ngược lại Ngọc cũng thích có người anh hiền lành như Tuấn, để nhõng nhẽo, vòi vĩnh. Đối với gia đình dì Tám Tuấn trở nên thân mật, vì hay lui tới và giúp đỡ các con của dì trong việc học hành.

Năm học lớp mười hai, Tuấn không đến nhà dì Tám nữa. Có lẽ chợ Tế Bần đã dọn về đường Khải Định không tiện đường lui tới, vì má Tuấn cũng mua nhà ở khu chợ mới để đổi chỗ buôn bán, làm ăn, hoặc vì một lý do nào đó mà bẳng đi một thời gian dì Tám và mấy em đều không thấy mặt mũi Tuấn đâu. Có lần dì Tám nhắc:

“Sao lâu quá không thấy anh Tuấn mày ghé thăm?”

“Con nghi anh Tuấn có bồ rồi má ơi ” Ngọc nhanh miệng nói. Dì Tám cười:

“Ờ, dám lắm. Nó đẹp trai vậy không có bồ sao được… ”

 

Cuối năm 1974, dì Tám đi chợ Rạch Ông (chợ mới), bất ngờ gặp lại Tuấn. Tuấn hỏi thăm về Ngọc, về các em và đời sống gia đình dì Tám. Dì tám khoe mới tập nuôi heo được hai tháng, bây gìờ con heo tiêu chảy hoài, không biết làm sao ?”

Lấy kinh nghiệm từ dì Ba, má Tuấn từng nuôi heo. Tuấn hứa sẽ đến chẩn bịnh cho con heo giùm dì Tám. Quân tử nhất ngôn, đúng mười gìờ sáng hôm sau, Tuấn đến nhà dì Tám… gặp lại Ngọc. Ngọc bây gìờ không còn là cô bé bướng bỉnh, lạnh nhạt. Ngọc là một thiếu nữ xinh xắn, khá quyến rũ với ánh mắt đa tình. Tuấn chỉ buột miệng :

“Lâu quá không gặp! Em lớn đại rồi nghen.” trong lòng Tuấn tự nhiên hồi hộp trước Ngọc. Từ đó Tuấn cũng năng lui tới để chăm sóc “con heo” cho dì Tám. Tuấn muốn nói chuyện nhiều với Ngọc hơn, rất tiếc trong các buổi chuyện trò giữa Tuấn và Ngọc đều có mặt dì Tám…

 

Mùng hai Tết 1975 Tuấn đến nhà dì Tám trong vai người anh cả, trước là chúc Tết dì Tám, sau đó lì xì cho tất cả các em, rồi Tuấn hỏi:

“Mấy em có thích đi sở thú không? ”

Cả đám nhao nhao:

“Em đi, em đi nữa… ”

Tuấn quay sang xin phép dì Tám, đưa tất cả các em đi sở thú và hứa đúng bảy giờ chiều sẽ đưa các em về. Đây là lần đầu tiên dì Tám cho phép Tuấn đưa Ngọc và các em đi chơi. Coi voi, coi khỉ… đến chán, Tuấn rủ các em cùng chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm đầu năm. Tuấn đứng đầu tiên, kế bên là Ngọc rồi tiếp theo các em từ cao xuống thấp. Hình chụp lấy liền. Anh thơ chụp hình cứ tấm tắc khen, rồi hỏi nhỏ đứa em kế của Ngọc:

“Đẹp đôi quá! Hai người là bồ hay anh em vậy, cưng?”

Em trai Ngọc nhanh nhẩu trả lời:

“Hổng phải bồ!”

“Ủa vậy anh em hả” anh thợ chụp hình thắc mắc. Cậu em khác xen vô:

“Hổng phải anh em luôn”

Vừa lúc đó Tuấn đến gần, anh thợ chụp hình lại nhìn Ngọc, nhìn Tuấn tươi cười hài lòng với tấm ảnh mình mới chụp, anh nhận tiền thù lao, quay đi. Tuấn cầm tấm hình ngắm nghía:

“Ngọc chụp hình ăn ảnh quá!”

“Anh Tuấn cũng ăn ảnh vậy” Ngọc nói. Tuấn nhìn Ngọc im lặng một chút, hỏi:

“Ngọc thích xem xinê không?”

Các em của Ngọc lại nhốn nháo:

“Em cũng thích đi xinê nữa. Em nữa…”

Tuấn cười hiền lành:

“Ừ, anh dẫn đi xinê” quay sang Ngọc, Tuấn hỏi:

“Em thích xem phim gì?”

Ngọc hớn hở trả lời:

“Liên hoàn thất cuớc Nữ Bá Vương!”

Tuấn nhìn sâu vào mắt Ngọc:

“Con gái mà thích xem phim đấm đá vậy sao?”

“Em thích Thượng Quan Linh Phụng mà!” Ngọc phụng phịu.

Tuấn đưa Ngọc và các em đi xem phim mà Ngọc thích ở rạp Nguyển văn Hảo. Vừa vào rạp, Tuấn dẫn đầu đi thẳng vào hàng ghế trống đủ dành cho tiểu đội con nít. Tuấn vào ghế trước các em lần lượt theo sau và cuối cùng là Ngọc. Trong lúc xem phim thỉnh thoảng Tuấn hướng mắt nhìn sang Ngọc, thầm hỏi: “Không biết dì Tám có dặn dò gì không? Sao các em Ngọc cứ vô tư làm dẫy ngân hà để Tuấn với Ngọc phải ngậm ngùi mối tình Ngưu Lang Chức Nữ cho đến… bộ phim chấm dứt.”

 

Đầu năm 1976 Tuấn vượt biên…

 

Nguyễn Nam Hòa (viết theo chuyện kể)